TÀI LIỆU

Lời giới thiệu

Social Sciences

Tôi rất mừng được đọc cuốn Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam gồm 52 bài báo, trả lời phỏng vấn hoặc kiến nghị do GS. Phạm Phụ viết từ 1996 tới 2005, trong đó có 40 bài trực tiếp nghiên cứu về giáo dục đại học và 12 bài bàn về những vấn đề kinh tế chính trị xã hội rộng hơn nhưng cũng giúp soi sáng cho việc tìm hiểu giáo dục đại học.

Các bài nói trên đề cập đến hầu hết các vấn đề thời sự vừa nóng bỏng vừa cơ bản của giáo dục đại học Việt Nam. Qua mỗi bài, người đọc đều thấy rõ sự nghiên cứu công phu về lý luận cũng như về thực tiễn tình hình giáo dục đại học ở ta và trên thế giới. Đặc biệt, người đọc thấy rõ tâm huyết của người viết đối với nền đại học Việt Nam, vừa bức xúc về hiện trạng, vừa tin tưởng vào tương lai nền đại học của ta trong hoàn cảnh đứng trước rất nhiều thách thức.

GS. TS. Nhà giáo nhân dân Phạm Phụ là một nhà khoa học nghiên cứu và giảng dạy có uy tín ở ta về ngành Thuỷ điện. Đó là chuyên môn chính của ông. Nhưng cũng từ lâu, ông quan tâm nghiên cứu thêm về các vấn đề của giáo dục đại học; tuy đây là công việc tay trái của GS. Phạm Phụ, nhưng qua các bài báo tập hợp trong cuốn sách này, người đọc chắc cũng công nhận ông là một nhà nghiên cứu uyên bác ở nước ta về giáo dục đại học.

Trong lời tựa của cuốn sách, GS. Phạm Phụ viết: “Hy vọng rằng, người đọc có thể thêm được: a) Một số thông tin về GDĐH Việt Nam; b) Thông tin về một số xu thế phát triển GDĐH trên thế giới và c) Theo dõi được phần nào đó những tranh luận xung quanh các vấn đề về GDĐH trong giai đoạn hiện nay”. Tôi tin và tôi chắc các độc giả cũng sẽ đồng ý với tôi là cuốn sách của GS. Phạm Phụ hoàn toàn ứng đáp được các yêu cầu đó.

Tôi muốn nhấn mạnh vào một mong muốn của GS. Phạm Phụ khi ông viết tiếp: “Từ đó, người đọc có thể có thêm dữ liệu để tham gia ý kiến trong những dịp tranh luận và đóng góp cho GDĐH”. Chân lý chỉ được sáng tỏ qua tranh luận. Nền học thuật của một nước chỉ được phát triển và có sinh khí nếu có tranh luận nhiệt tình, cởi mở trong sự lắng nghe nhau và tôn trọng nhau theo phương phâm “Chân lý là trên hết” (Chân lý ở đây xin được hiểu là tốt nhất, có ích nhất cho đất nước ta). Có cùng nhau tranh luận để làm sáng tỏ nền GD Việt Nam ta hiện nay cần đổi mới, cần cải cách như thế nào, tạo ra một sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội ta về các vấn đề đó thì mới mong nền giáo dục Việt Nam tiến lên nhanh chóng, không có hay ít có những vấp váp lớn, những đường vòng, gây ra những trì trệ hay tổn thất không đáng có.

Tôi vui mừng được đọc cuốn sách của GS Phạm Phụ, không những vì tôi thấy có nhiều điều tôi rất đồng tình với tác giả, mà tôi còn vui mừng vì được biết rõ ràng hơn, kỹ hơn những cơ sở của các ý kiến không giống với cách suy nghĩ của tôi. Muốn tranh luận vì mục đích lợi ích của đất nước, phải tìm hiểu cẩn thận, đầy đủ và chính xác những ý kiến khác với mình.

Tôi mong, cũng như GS. Phạm Phụ mong là các độc giả của cuốn sách này – kể cả những cơ quan có trách nhiệm về giáo dục ở nước ta – sẽ tham gia tích cực hơn vào cuộc tranh luận đang diễn ra về “quốc sách hàng đầu” ở nước ta. Trên tinh thần đó, tôi xin được trân trọng giới thiệu với tất cả những ai quan tâm tới nền GDĐH Việt Nam cuốn sách phong phú và nghiêm túc của GS. Phạm Phụ.

Hà Nội, Tháng 10 năm 2005

Lê Văn Giạng, Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp

Về khuôn mặt mới của Giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam” là tập hợp các bài viết của GS. Phạm Phụ trong gần 10 năm qua. 10 năm qua là giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới cơ bản GDĐH ở Việt Nam và cũng là thời kỳ có nhiều thay đổi trong triết lý GDĐH trên thế giới. Trong bối cảnh đó, phải có tư duy mới và đương nhiên cũng phải có những dòng ý kiến khác nhau. Do vậy, phát biểu ý kiến riêng trong giai đoạn này luôn có “rủi ro”. Trước hết, rất mừng là GS Phạm Phụ đã không tránh né các “rủi ro” đó.

Trước khi nhận được bản thảo cuốn sách nầy, thực ra tôi đã đọc phần lớn các bài viết và trả lời phỏng vấn báo chí của GS., đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông - thông tin hoặc qua mail trực tiếp của GS. cho tôi. Và, trong các cuộc hội thảo về giáo dục, tôi cũng đã nhiều lần nói vui với những người tham dự: “Tôi và GS Phạm Phụ ít khi gặp nhau, nhưng qua các bài viết của GS., tôi cảm thấy chúng tôi như đã biết nhau và hiểu nhau từ thời tiền kiếp vậy”.

Sau nữa, phải nói rằng, mặc dù là một người vốn chuyên về khoa học - kỹ thuật, nhưng GS Phạm Phụ đã nắm khá chắc về các xu thế, các kinh nghiệm của GDĐH trên thế giới cũng như thực tiễn của Việt Nam. Từ đó, GS. đã có nhiều đề xuất khá xác đáng và hợp lý. Tôi đặc biệt cổ vũ GS Phạm Phụ trong việc đi sâu vào các mặt về quản lý và kinh tế – tài chính của GDĐH. Có thể nói, đây là những mảng đang còn khá trống vắng trong thiết kế chính sách GDĐH ở Việt Nam và cũng là mảng mà tôi có ước vọng nghiên cứu nhưng chưa có điều kiện thực hiện do có những khó khăn cả về mặt khách quan lẫn chủ quan.

Hy vọng rằng, cuốn sách này sẽ rất có ích chẳng những cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các thầy cô giáo mà còn cho đông đảo công chúng có liên quan và có quan tâm đến GDĐH. Vì vậy, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tp.HCM, Tháng 10 năm 2005

GS. Dương Thiệu Tống. Tiến sĩ Giáo dục học (Ed.D.)