TÀI LIỆU

Ba vấn đề cấp bách của Giáo dục Đại học

Social Sciences

LTS. Có lẽ chưa bao giờ cụm từ "chấn hưng giáo dục" được nhắc đến nhiều và tranh cãi sôi nổi như hiện nay. Trên mọi diễn đàn đâu đâu cũng thấy những lời kêu gọi cải cách giáo dục, “cải cách” đã trở thành "mệnh lệnh từ cuộc sống" nhưng cải cách như thế nào và bắt đầu từ đâu lại đang là câu hỏi lớn. GS Phạm Phụ - Nhà giáo dục tâm huyết - đã chia sẻ cùng phóng viên Quốc tế một số đề xuất nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Cải cách giáo dục vội vã là “bóp chết cải cách”

  • Thưa GS, theo GS điểm yếu dễ thấy nhất của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là gì?

+ Theo tôi, trước hết, đó là thiếu một chiến lược tổng thể và nền GD kém hiệu quả. Điều dễ thấy là chương trình học hiện nay quá nặng, quá hàn lâm, dạy học sinh phổ thông môn toán như là để các em trở thành nhà toán học, môn tiếng Việt như là để các em trở thành nhà ngôn ngữ học, trong khi chỉ có khoảng trên 20/100 em tốt nghiệp phổ thông có thể vào đại học, mà 20 em học đại học ấy cũng lại là học các ngành nghề phục vụ xã hội, còn nội dung lý thuyết như vậy thì có lẽ 1 vạn em chỉ cần có 1 – 2 em. Điều này gây tổn thất và lãng phí rất lớn cho xã hội. GS Bùi Trọng Liễu gọi kiểu đào tạo này là “học kỹ thuật giết rồng”, nghĩa là học những thứ quá cao siêu nhưng chưa thấy ứng dụng. Kết quả là trừ một số ít em đi thi quốc tế đạt giải cao còn hầu hết học những nội dung như vậy chỉ là học vẹt và thực tế là không để làm gì cả, trong khi đó lại không biết mấy về các kiến thức xã hội phổ thông rất cần thiết cho cuộc sống. Mặt khác, trong 4 trụ cột GD (theo UNESCO) là “Học để biết, học để làm, học để sống với nhau và học để làm người” thì ta có mục đích gần như chỉ dạy học để làm, và có nghịch lý là vì vậy mà làm cũng kém.

Vì thế để chấn hưng GD, phải bắt đầu từ việc xây dựng một chiếc lược tổng thể, một chương trình hành động để cải cách GD với những triết lý, những tư duy mới, tư duy hệ thống. Và cũng phải có ngay một chiến lược để chủ động hội nhập toàn cầu hóa về GD và một chính sách công bằng xã hội hợp lý.

  • Nhưng thưa GS, việc cải cách GD đang đặt ra rất cấp bách?

+ Vì chúng ta cứ hay nóng ruột, vội vàng, vướng đâu sửa đấy nên đổi mới hoài mà không hiệu quả. Học hành quá tải, học thêm dạy thêm, chạy trường, chạy điểm, gánh nặng thi cử... đều là những vấn đề nổi cộm, cấp bách cả đấy nhưng chưa là những vấn đề cơ bản. Đây mới chỉ là những biểu hiện của một nền GD còn thiếu những “chủ thuyết khung” như cách nói của cựu thủ tướng Nhật bản Iaxuhicô Nacaxônê. Chứ cứ đau ở đâu dán thuốc dán vào đó thì có lẽ chưa thể giải quyết được vấn đề. Cải cách GD mà vội vã là “bóp chết cải cách” (UNESCO).

  • Phải chăng vì thế mà nhiều năm qua dù ngành GD "cứ 1 năm có một cải cách nhỏ, 3 năm có một cải cách lớn" nhưng càng làm càng rối?

+ Đúng vậy, vì thế cần phải có một chiến lược tổng thể trước khi đi vào giải quyết từng vụ việc. Chiến lược phải được soạn thảo một cách bài bản, có sự cam kết quốc gia và cải cách GD phải là một hành động của toàn dân.

Do đó, phải có một ủy ban đặc biệt cải cách GD do nhiều bộ, ngành có liên quan, nhiều chuyên gia về GD, về kinh tế, về chính sách công v.v… tham gia. Vì một sinh viên ra trường không có việc làm, thì lỗi không hoàn toàn bởi ngành GD, đào tạo không đủ chất lượng (dù đây cũng là một phần nguyên nhân) mà chủ yếu là do nền kinh tế lúc đó có tạo ra được công việc làm hay không... Rồi chuyện học giả bằng thật, chạy trường, chạy lớp vv..., là những tiêu cực của xã hội đã chạy vào GD và cũng là những yếu kém trong GD đã ảnh hưởng đến xã hội. Đó là một tổng thể. Bởi thế, cũng tương tự như vấn nạn tham nhũng, dù rất cấp bách song không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà phải có một chiến lược dài hơi với những cải cách rất căn cơ.

Chủ động hội nhập toàn cầu hóa trong GD

  • Điều cấp bách thứ hai mà tôi rất băn khoăn là GD Việt Nam chưa có một chiến lược để chủ động hội nhập toàn cầu hóa. Ở Việt Nam toàn cầu hóa thường được nói đến ở góc độ kinh tế, thương mại vật phẩm, ít quan tâm đến thương mại dịch vụ và các vấn đề xã hội, trong đó có GD. Ở nhiều nước, khi bàn về hiệp định thương mại với nước ngoài, thường là có sự tham gia của bộ trưởng bộ GD, một số chính sách về GD cũng được soạn thảo bởi các nhà kinh tế và quản trị kinh doanh. Còn ta cả ngành GD như chưa mấy quan tâm đến “Hiệp định thương mai Việt – Mỹ” (BTA), ngành GD sẽ như thế nào khi Việt Nam tham gia vào WTO vv…

Hiện nay, ước tính đã có đến 40.000 sinh viên Việt nam đang du học ở nước ngoài, mỗi năm tốn khoảng trên 300 triệu Đô la Mỹ. Đó là chưa nói đến vấn đề tổn thất chất xám, nhiều SV “du nhiều hơn là học” và nhiều SV đang bị lừa về chất lượng đào tạo. Nói như vậy không có nghĩa là không du học, mà là cần phải có một chiến lược chủ động và đủ khôn ngoan trong việc phát triển GD thời toàn cầu hóa và “thị trường lao động toàn cầu”.

Mặt khác, cũng đã có nhiều trường 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Các trường này có “mark ngoại”, lại gần như không bị khống chế về chỉ tiêu, học phí và không ai kiểm soát chất lượng trong khi các trường Việt Nam phải chịu đủ thứ ràng buộc. Vậy là chúng ta đã “tự phát” tạo nên một môi trường cạnh tranh không bình đẳng ngay trên đất nước ta. Vấn đề là, một mặt phải có chính sách khuyến khích thích hợp để tạo ra các chương trình liên kết, các chi nhánh đại học nước ngoài ở Việt Nam có chất lượng, mặt khác, phải tạo được một thế đứng đủ sức cạnh tranh cho các trường đại học của Việt Nam. Phải học tập ngay các nước láng giềng. Malaysia trước đây cũng lâm vào tình trạng này khi năm 1997 đã có khoảng 35 ngàn sinh viên du học. Nhưng từ năm 1998, chính phủ đã xây dựng chiến lược về toàn cầu hóa GD. Kết quả không những khắc phục được tình trạng chảy máu ngoại tệ, chảy máu chất xám mà còn giúp Malaysia thu hút được gần 40 ngàn sinh viên nước ngoài từ 150 quốc gia đổ về học tập (2004). Một tấm gương khác là Singapore. Chỉ là một đảo quốc nhỏ bé nhưng nước này đã có kế hoạch kéo cho được 10 trường đại học hàng đầu thế giới về nước mình để đào tạo nhân tài cho chính họ đồng thời kinh doanh xuất cảng GD đại học trong khu vực.

Thị trường hóa GD + Sự điều tiết của Nhà nước

  • Thưa GS, xung quanh việc có thị trường hàng hóa trong GD hay không đang được tranh cãi rất sôi nổi, xin GS cho biết quan điểm về vấn đề này?
  • Tôi nghĩ vấn đề không phải ở chỗ tuyệt đối không hay có thị trường hàng hóa trong GD mà phải xem xét cơ chế thị trường nào có tác động tốt cho GD thì GD phải khai thác, ví dụ GD cũng phải có cạnh tranh, có cạnh tranh mới có chất lượng, GD cũng phải tính đến “cầu”, tính đến người học cần gì, thị trường lao động cần gì v.v… Nhưng mặt khác, cơ chế thị trường có rất nhiều yếu tố bị thất bại trong lĩnh vực GD. Vì vậy, Nhà nước phải can thiệp mạnh mẽ, không thể giao tất cả GD cho thị trường nhào nặn, sao cho sự phân tầng về tiếp cận GD đại học phải thấp hơn sự phân tầng về mặt kinh tế. Ở đây, vấn đề cơ bản là bài toán “chia sẻ chi phí", trong chi phí cho học đại học thì Nhà nước gánh chịu bao nhiêu phần trăm, người học (sinh viên và gia đình) bao nhiêu phần trăm và cộng đồng (người sử dụng lao động, trường đại học, các tổ chức xã hội…) bao nhiêu phần trăm. Các tỷ lệ này phải khác nhau cho GD cơ bản hay GD nghề nghiệp, khác nhau cho các đối tượng xã hội, giàu nghèo khác nhau và khác nhau cho loại nghề nghiệp có “mức độ công cộng” cao hay thấp. Với người học toán học cơ bản, dự báo động đất v.v…, là những nghề có mức độ công cộng cao, Nhà nước nên gánh gần như toàn bộ chi phí. ngược lại, người học quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin v.v…, những ngành nghề có thể trực tiếp đem lại lợi ích cá nhân nhiều hơn, người học nên gánh chịu phần lớn chi phí.
  • Nhưng thưa GS, nhiều nước phát triển ở Châu Âu gần như không có học phí GD đại học và cả ở ĐH tư thục của Mỹ, học phí vẫn rất thấp so với chi phí đào tạo?

+ Nhiều trường ĐH tư thục ở Mỹ có nguồn vốn của chính nhà trường rất lớn, gọi là “Endowment”, có trường có đến 5 – 7 tỷ Đô la Mỹ, nên phần lớn ĐH tư thục ở Mỹ vẫn là trường ĐH không vì lợi nhuận và có học phí chỉ khoảng 1/2 - 2/3 chi phí. Còn ở Châu Âu, nhiều nước là Nhà nước phúc lợi, ở đó một người chủ sử dụng một lao động trả cho người lao động 100 đồng thì có khi phải nộp thuế và các khoản khác cho Nhà nước 40 – 50 Đồng. Số tiền này Nhà nước đem làm phúc lợi xã hội, trong đó có GD. Việt Nam áp dụng cách này thì hàng hoá Việt Nam sẽ rất đắt, không cạnh tranh nổi trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng gần đây, các nước Châu Âu như Pháp, Anh… cũng đã thực hiện chế độ thu học phí, khi GDĐH là nền GD cho số đông thì không còn một ngân sách Nhà nước nào gánh nổi.

  • Vậy còn những ý kiến lo ngại các trường đại học tư thục sẽ biến thành nơi kinh doanh GD, GS nghĩ sao về chuyện này?

+ Với thế giới ngày nay không còn quan trọng là công hay tư nữa mà là “không vì lợi nhuận”, “mức lợi nhuận thích hợp”, “vì lợi nhuận một phần” (semi for profit) và “vì lợi nhuận” v.v…Trên thực tế hiện nay, còn rất ít trường đại học công thuần túy theo nghĩa cung cấp toàn bộ chi phí và cũng có rất nhiều trường tư không vì lợi nhuận và thu học phí dưới mức giá thành, có trường ĐH công được ủy thác cho tư nhân vận hành, có trường ĐH tư nhưng nhận đến 50 – 70% kinh phí từ ngân sách Nhà nước . Ở Việt Nam, để tránh vùng “mờ” trong GD phải có quy chế rõ ràng sao cho các trường tư thục bảo toàn được nguồn vốn và có mức lãi vừa phải, nhưng không để họ hướng theo mục tiêu “cực đại lợi nhuận”. Như vậy mới khuyến khích được đầu tư xã hội nhưng vẫn tránh được việc chạy theo kinh doanh thuần túy. Để làm điều đó, có thể quy định mức lợi nhuận trần, ví dụ không quá 150% lãi suất ngân hàng. Tiền lãi vượt qua mức lợi nhuận đó sẽ thuộc về cộng đồng dùng để mở rộng đầu tư phát triển nhà trường.

Hiện nay, vì thiếu cơ chế rõ ràng nên một mặt đã có một số người lợi dụng kinh doanh siêu lợi nhuận khiến dư luận bất bình, nhưng mặt khác rất nhiều nhà đầu tư lại còn e dè chưa dám bỏ vốn. Nếu không làm được điều này thì mục tiêu đến năm 2010 sẽ có 40% sinh viên ngoài công lập với mức chất lượng thích hợp là khó xảy ra.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là đã đến lúc phải thay đổi tư duy, triết lý về GD. Sứ mệnh của GD ngày nay không chỉ có nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế mà còn là để thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân và phải chuẩn bị cho được những công dân có trách nhiệm, vừa có trình độ chuyên môn, có tư duy phê phán độc lập… vừa có ham muốn đóng góp cho những lợi ích của cộng đồng.

ÁNH NGUYỆT thực hiện